Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Nhà dịch vụ bảo tàng trở thành quán cafe!

Trong khi nguồn vốn rót về hàng năm phục vụ dự án trùng tu, tôn tạo Bảo tàng Nghệ An chỉ nhỏ giọt, dẫn đến dự án chậm tiến độ so với phê duyệt ban đầu. Thế nhưng, mặc dù nguồn vốn khó khăn, chủ đầu tư vẫn tiến hành gói thầu xây dựng “Nhà dịch vụ”, với nguồn kinh phí tương đối lớn, rốt cuộc cũng chỉ để cho thuê kinh doanh quán cafe!

Nhà dịch vụ Bảo tàng Nghệ An trở thành quán cafe Tre Việt

Mỗi khi có dịp đi qua số 7, đường Đào Tấn, thành phố Vinh, du khách dễ dàng nhận ra quán cafe “Tre Việt”, nép mình trong khuôn viên Bảo tàng Nghệ An. Khác với vẻ trầm tĩnh, yên lặng của Bảo tàng thì quán cafe “Tre Việt” luôn náo nhiệt khách từ sáng đến tận khuya, tiếng người nói, tiếng nhạc rộn rã…

Quán này kinh doanh cafe là chính, tuy nhiên một số khách hàng đến quán không chỉ để giải khát, thưởng thức ly café, mà đây còn là địa điểm để một số người tìm đến đánh bài giải trí. Nhiều lần có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến không ít vụ cãi vã om sòm giữa các ván bài, thậm chí là những lời nói dung tục, thiếu văn hóa được xả ra. Điều này hoàn toàn không phù hợp với không gian văn hóa ở bất cứ một bảo tàng nào.

Qua tìm hiểu được biết, quán cafe “Tre Việt” chính là một gói thầu (gói số 4: Cải tạo, sửa chữa nhà trưng bày, xây dựng khu dịch vụ), nằm trong Dự án “Trưng bày nội, ngoại thất Bảo tàng Nghệ An”, có tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 1,2 tỷ đồng.

Theo thiết kế, công trình này được xây dựng nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của du khách khi đến với bảo tàng, như: Nghỉ ngơi, giải trí, phát triển các sản phẩm lưu niệm, xuất bản các ấn phẩm của bảo tàng, cung cấp thông tin tư liệu...

Thế nhưng, sau khi xây dựng xong khu “Nhà dịch vụ” này lại được Bảo tàng Nghệ An cho anh Trần Huy Dũng ở phường Quang Trung hợp đồng thuê làm quán kinh doanh cafe với giá 7.000.000 đồng/tháng.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Minh Truyền - Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cho biết: Cuối năm 2011, gói thầu cải tạo, sửa chữa nhà trưng bày, dịch vụ được khởi công xây dựng trên diện tích 400m2, với kết cấu khung, vì, kèo bằng thép, mái lợp tôn. Công trình này đã hoàn thành và có tổng giá trị xây lắp là 816.438.377 đồng.

Khi được hỏi, tại sao trong khi nguồn kinh phí rót về cho Dự án trùng tu, tôn tạo bảo tàng rất hạn hẹp, chủ đầu tư không tập trung vốn để hoàn thành các công trình quan trọng khác mà lại đi xây dựng nhà dịch vụ rồi cho thuê làm quán cafe? Ông Trần Đức Kiếm - Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An lý giải: Thực ra, mỗi gói thầu đều đã có mức giá phê duyệt riêng, khi vốn rót về cho gói thầu này, nếu công trình không thi công thì sẽ bị rút vốn ngay!?

Trong khi, một số hiện vật có giá trị ở Bảo tàng Nghệ An đang “kêu cứu” như: Khẩu súng thần công, cột cờ Bến Thủy… nằm lăn lóc giữa trời, không có nhà bảo quản thì chủ đầu tư vẫn tiến hành xây nhà dịch vụ rồi cho thuê?

Tìm hiểu Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch, tại mục 2, Điều 12 nêu rõ: Hoạt động dịch vụ của bảo tàng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng và quy định của pháp luật có liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng hoặc đơn đặt hàng của tổ chức, cá nhân.

Như vậy, việc Bảo tàng Nghệ An xây dựng khu “Nhà dịch vụ” với số tiền đầu tư tương đối lớn (hơn 800 triệu đồng), nhưng lại không nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động của Bảo tàng mà chỉ để cho tư nhân thuê lại kinh doanh cafe là đúng hay sai? Câu trả lời chúng tôi xin nhường lại cho các cơ quan chức năng có liên quan và Bảo tàng Nghệ An.

Nguồn Công an Nghệ An